Tại sao tiếng Anh lại khó phát âm như vậy?

Tiếng Anh tương đối dễ học, ở một mức độ nhất định. 

Đây chính là một trong những lý do tiếng Anh phổ biến và được coi như "một ngôn ngữ cầu nối" (lingua franca /ˌlɪŋɡwə ˈfræŋkə/) - ngôn ngữ dùng chung giữa những người không cùng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Đúng là các tenses đôi khi hơi rối, phrasal verbs khá là nhiều, và lắm lúc ngữ pháp làm mình trúc trắc.

Nhưng những ai đã học nhiều hơn một ngôn ngữ, chắc sẽ đồng ý Tiếng Anh thuộc dạng "dễ học".

Ngay cả với người Việt mình, vấn đề trong việc sử dụng tiếng Anh hiếm khi nằm ở từ vựng hay ngữ pháp. Với các năm học ở trường phổ thông, đại học, và thậm chí học thêm tiếng Anh bên ngoài, một bạn trẻ Việt Nam khi đi làm gặp vấn đề lớn nhất không phải là không-biết-nói-gì, mà là nói-như-thế-nào để người ta hiểu.

Hay nói cách khác, là chuyện phát âm.

More...

Vì sao phát âm tiếng Anh lại khó như vậy? 

Thế thì tại sao nhiều người Việt mình có thể chia thì vèo vèo, dựng mẫu câu cao cấp, và từ vựng một bụng nhưng khi nói nghe vẫn chưa-được-giống Tiếng Anh?

Tại sao khi giao tiếp mình lại "nói tiếng Anh nghe như tiếng Việt"?

Như bạn cũng biết, Tú hiện làm thông dịch viên Anh-Việt. Cơ hội được tiếp xúc (đồng thời) với cả hai ngôn ngữ, và yêu cầu công việc phải nói đủ-tốt cả hai ngôn ngữ này, giúp Tú tìm ra được câu trả lời.

Thật ra phát âm tiếng Anh không khó, mà nó RẤT KHÁC so với phát âm tiếng Việt

Khi bạn nhận ra được sự khác nhau trong hai ngôn ngữ này, bạn sẽ biết mình để ý những điều gì khi luyện nói tiếng Anh, để phát âm tiếng Anh rõ ràng, dễ hiểu và tự nhiên hơn. 

Có 6 yếu tố khiến phát âm tiếng Anh hơi khó khăn với người học nói chung và người Việt mình nói riêng. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

#1 Cách nói và cách viết Tiếng Anh không giống nhau

Tiếng Việt của chúng ta gọi là phonetic language - hiểu đơn giản là ngôn ngữ "nhìn sao đọc vậy".

phonetic language /foʊˈnet̬ɪk ˈlæŋɡwɪdʒ/ (n) a language that its written form = spoken form

non-phonetic language: a language whose pronunciation and spelling do not match

Ví dụ Tú có câu này:

Quá đủ rồi, quá mệt rồi, quá muộn rồi
Tình yêu không có lỗi, lỗi là do chúng ta thôi
(Đúng cũng thành sai - ca sĩ Mỹ Tâm)

Bạn thấy là bất kì chỗ nào 2 ký tự 'ô' và 'i' đi liền nhau, chúng ta đều đọc là 'ôi'. 

Sau khi học cách đọc bảng chữ cái a-bờ-cờ của Tiếng Việt mình, bạn có thể dễ dàng phát âm bất kì chữ nào bạn gặp, dù bạn chưa bap giờ gặp chúng.

Tiếng Anh không phải là một phonetic language

Phát âm Tiếng Anh sẽ đơn giản hơn nhiều nếu cách mình viết cũng giống cách mình đọc như tiếng Việt.

Nhưng tiếc là đời không như là mơ...

Tiếng Anh có những silent letters (âm câm) mà không phải lúc nào cũng được đọc ra.Ví dụ: 

  • write - đọc như right, chữ w không được phát âm
  • hour - đọc như our, chữ h không được phát âm

Rồi có lúc thì cùng một ký tự được viết như vậy, nhưng lại có nhiều cách đọc khác nhau. 

Ví dụ: 'ough'

  • though (như o trong go)
  • through (như oo trong too)
  • cough (như off trong offer)
  • rough (như uff trong suffer)
  • plough (như ow trong flower)
  • ought (như aw trong saw)
Đây chính là một trong những lý do chính làm người Việt mình (quen viết sao đọc vậy) thấy phát âm tiếng Anh (cách viết chưa chắc là cách đọc) quá là khó nhằn.

#2 Phiên âm trong tiếng Anh khác tiếng Việt

Bảng phiên âm Tiếng Anh có 20 vowel sounds (nguyên âm) và 24 consonant sounds (phụ âm).

Các vowel sounds sử dụng đủ thứ bộ phận trong miệng của mình - lưỡi ở trước-giữa-sau, hàm mở-đóng, môi banh-chu, căng thả... Một số vowels dài, một số ngắn, nhưng độ dài ngắn lại thay đổi tuỳ thuộc âm sau đó là gì hay nó có được nhấn hay không.

Các consonant sounds còn rắc rối hơn nữa - gần như người Việt nào cũng gặp vấn đề với những âm không có trong tiếng Việt như TH /θ/ & /ð/, âm CH /tʃ/ và J /dʒ/. Chưa kể tới những âm tưởng giống nhưng không quá giống tiếng Việt như /t/, /d/, /p/, /k/, ....

Như bạn thấy, các âm trong tiếng Anh sử dụng nhiều bộ phận để phát âm hơn, cách sử dụng cũng hơi khác, và "màu của âm thanh" cũng khác. Những cái khác này lại không quá hiển nhiên khi mình tập phát âm, đâm ra nhiều người gặp trường hợp: "Nói tiếng Anh nghe giống tiếng Việt mà không biết vì sao."

#3 Các âm tiếng Anh nối với nhau khi đọc

Bên cạnh cách mỗi sound (âm) được phát ra, khi chúng kết hợp với nhau các âm này lại được nối lại và hoà vào nhau.

Bạn có thể từng nghe thuật ngữ linking hay connected speech để chỉ hiện tượng nối âm này. Ví dụ:

  • Don't you? ➡ Doncha?
  • Let me think. ➡ Lemme think.
  • I kind of want to go. ➡ I kinda wanna go.

Thêm âm, bỏ âm, nuốt âm, xào nấu các âm... Điều này làm cho khi nghe mình không hiểu họ đang nói gì, nhưng đọc phụ đề tiếng Anh thì... "à thì ra là từ đó'

#4 Phát âm của một từ có thể thay đổi tuỳ vào chức năng của nó trong câu

Cái này chắc Tú phải gọi là biến âm luôn rồi 🙄

Có thể bạn đã biết, âm phổ biến nhất trong tiếng Anh là schwa sound /ə/ - Tú hay nói với học viên mình là âm schwa thần thánh!

Vấn đề là bạn không thể thấy được âm này trên mặt chữ. Bởi BẤT KÌ nguyên âm (hoặc nhóm nguyên âm) viết nào cũng có thể là âm schwa khi đọc!

Âm schwa xuất hiện trong những từ và âm tiết không được nhấn của câu, làm cho đôi khi mình không nhận ra được những từ đó nữa.

Ví dụ:

  • Khi viết: You could tell him to come for me.
  • Khi đọc: Yə cəld tell əm tə come fər me. 🤦‍♀️🤦‍♀️🤦‍♀️

#5 Nhấn âm - Điều tiếng Anh hoàn toàn khác biệt 

syllable-timed language: The duration of every syllable is equal.
stress-timed language: The interval between two stressed syllables is equal.

Tiếng Việt là syllable-timed language (thời lượng dựa vào âm tiết).

Có nghĩa là, độ dài của mỗi âm tiết khi nói bình thường sẽ khá tương đương nhau. Điều này dẫn đến câu càng nhiều âm tiết thì càng dài.

Ví dụ nếu bạn vừa vỗ tay vừa nói 'Chó đuổi mèo', bạn sẽ thấy mỗi khoảng cách mỗi nhịp khá là đều nhau. Nếu bạn nói câu dài hơn, sẽ cần nhiều nhịp vỗ tay hơn.

  • Chó👏 đuổi👏 mèo👏
  • Con👏chó👏 đang👏 đuổi👏 con👏 mèo👏

Tiếng Anh lại là stress-timed language (thời lượng theo âm nhấn). 

Tức là độ dài của một câu phụ thuộc vào số lượng âm nhấn (còn gọi là trọng âm). 

Và cho dù câu bạn nói dài bao nhiêu đi chăng nữa, độ dài của câu cũng sẽ xuýt xoát không đổi nếu số lượng âm nhấn giữ nguyên.

Ví dụ (các từ in đậm là từ có âm nhấn):

  • Dogs👏 chase👏 cats👏
  • The dogs👏 chase👏 the cats👏
  • The dogs👏 will chase👏 the cats👏
  • The dogs👏 will be chas👏-ing the cats👏

Điều này áp dụng cho cả trong một từ, lẫn trong một câu. Luôn có sự thay đổi độ dài giữa các âm tiết được nhấn và các âm tiết không được nhấn.

Đây là điều những người nói syllable-timed language (con Rồng cháu Tiên tụi mình) cảm thấy rất kì lạ khi chuyển sang nói stress-timed language. Và là điều vô cùng quan trọng để bạn nói tiếng Anh tự nhiên hơn.

Thật sự khi người Việt mình nói tiếng Anh mà đối phương không hiểu, vấn đề đa phần đến từ việc mình không nhấn âm hoặc nhấn sai âm, hơn là nói sai phiên âm.

Đọc được 44 sounds là một việc, nhưng điều bạn cần tập trung vào nhiều đó là trọng âm - stress, để tiếng Anh của mình nghe rõ ràng và chính xác hơn.

#6 Tiếng Anh phải có ngữ điệu

Tiếng Việt là một tonal language (ngôn ngữ theo thanh dấu), thường thì cao độ của một âm tiết sẽ phụ thuộc vào thanh dấu của nó (như MÁ thì sẽ có tông cao hơn MẠ). 

Vậy nên, 

  • khi bạn nói "anh yêu chị", thì cuối câu bạn xuống giọng (dấu nặng trong từ 'chị')
  • khi bạn nói "em yêu chú", thì cuối câu bạn lên giọng (dấu sắc trong từ 'chú')

Tiếng Anh là non-tonal language và đi theo ngữ điệu

Ngữ điệu tiếng Anh thể hiện cảm xúc và hàm ý của người nói khá nhiều.

Ví dụ mình có câu "I go to church."

  • Khi nói một câu trần thuật trong tiếng Anh, thường ngữ điệu sẽ đi xuống ở cuối câu. Vậy nên câu trên sẽ là  "I go to ↘church." (chữ church xuống giọng)
  • Nhưng nhiều người Việt lại thêm dấu cho tiếng Anh, và đọc church là "chớt". Nên khi đọc vào câu lại thành "I go to ↗chớt." (lên giọng cuối câu)

Đọc vậy là "chớtttttt", vì nó rất không tự nhiên đối với người nước ngoài. Thậm chí người ta có thể hiểu sai ý của bạn.

Việc luyện tập ngữ điệu này rất quan trọng đối với tiếng Anh, nhưng lại cảm thấy hơi bị "khoai" với những người muốn học ngôn ngữ này, vì ngữ điệu đi chung với cảm xúc và hàm ý, mà cảm xúc lại không phải một cái dễ học.

Tin tốt là đây!

Mặc dù không thể phủ nhận là phát âm tiếng Anh đôi khi rất rối rắm và phức tạp, nhưng tin tốt đó là - có thể học được!

Phát âm cũng giống như việc học một kỹ năng mới - bạn phải học những chuyển động và quy tắc mới, và luyện tập chúng cho đến khi thấm nhuần và trở thành bản năng của bạn.

Qua việc tập trung vào các yếu tố nền tảng của phát âm - sounds, stress, linking & intonation, tiếng Anh của bạn hoàn toàn có thể tạo một ấn tượng tốt và truyền tải được thông điệp của bạn đến người nghe - kể cả khi sử dụng ngữ pháp và từ vựng thông dụng và đơn giản. 

Trong những bài viết tới, bạn sẽ hiểu rõ hơn từng nền tảng phát âm này và làm thế nào bạn có thể tự luyện tập chúng nhé.

Stay tuned!

References

What is a phonetic language - Quora. 

Why is English so difficult to pronounce? - Pronunciation Studio

English is not phonetic - English Club

Stress Timed vs. Syllable Timed - Lucid Accent


Có thể bạn cũng thích:

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
>