5 cách cắt giảm chi tiêu dễ dàng

Khi nói tới tài chính cá nhân, thay vì nghĩ cách giảm chi tiêu, thường thì ai cũng nghĩ tới việc: Làm sao có công việc lương cao hơn? Làm sao kiếm nhiều tiền hơn? 

Sự thật là nếu bạn thật sự muốn tài chính không còn là mối lo trong đời sống hằng ngày, bạn phải bắt đầu với quản lý chi tiêu. Tại sao ư? Tưởng tượng bạn cứ ráng đổ nước vào một cái thùng lủng. Phải mất bao nhiêu công sức mới làm đầy nước trong thùng được? Thậm chí nếu cái lỗ quá lớn, bạn có bao giờ làm đầy nổi cái thùng không được không?

More...

Tài chính cá nhân cũng vậy. Nếu bạn muốn sống thoải mái, không lo về tiền bạc, trước khi kiếm thêm tiền, bạn phải quản lý được chi phí hằng tháng. Một trong những cách để “bịt cái lỗ thủng lại” đó chính là cắt giảm chi tiêu của bạn một cách hợp lý*.

*Hợp lý = chi những thứ cần chi, không chi vô ích. Nhưng tuyệt đối không đày đoạ bản thân chỉ vì muốn giảm chi tiêu trong tháng. Nói cho cùng tận hưởng cuộc sống và yêu thương bản thân là điều quan trọng trong đời mà.

Cắt giảm chi tiêu ở khoản nào?

Trong chi tiêu hàng tháng, bạn sẽ thấy mình thường phải chi trong 3 khoản:

1. Những chi tiêu thiết yếu

Đây là những chi tiêu bắt buộc mỗi tháng: tiền nhà, tiền điện, tiền điện thoại, tiền xăng xe, tiền ăn uống,.... Dù muốn dù không, bạn vẫn phải bỏ tiền ra cho chúng. Thông thường, những khoản chi tiêu thiết yếu này sẽ chiếm một khoản tiền không đổi. Ví dụ như 50% thu nhập mỗi tháng. 

Có những cách thức nhất định để giảm chi tiêu cho các khoản bắt buộc này, nhưng chúng ta sẽ không nói tới ở đây. Nếu bạn phải chi những khoản này, hãy cứ tạm chi chúng. 

2. Những chi tiêu mong muốn

Khác với ở trên - là những khoản CẦN chi - ở đây chúng ta nói tới những khoản chi không bắt buộc, nhưng bạn MUỐN chi. Nói ra thì ôi thôi nhiều lắm. Đi coi phim, mua quần áo, đi du lịch, laptop, máy ảnh, giày dép mới,... Tham gia một lớp nấu ăn hay đơn giản là đi cà phê chém gió cùng bạn bè...

Tất cả đều là những thứ không bắt buộc, nhưng chúng ta một cách ý thức hoặc vô thức vẫn cứ chi. Và cuối cùng cuối tháng thì không biết tiền mình đi đâu hết. 

Nếu bạn có ghi chép thu chi của mình, bạn sẽ nhận ra vấn đề “tiền đâu cả rồi” thường nằm ở khoản mong muốn này. Một số bạn biết là mình không nên mua ly trà sữa đó. Nhưng lại không kiềm được lòng mình. Vậy thì hãy tiếp tục bài viết này để biết được 5 cách giúp bạn giảm chi tiêu những thứ không cần thiết nhé!

3. Những chi tiêu bất ngờ

Ngoài ra, nếu bạn nghĩ rằng bạn chỉ cần chi cho các khoản bắt buộc và khoản mong muốn, thì bạn còn “hơi bị ngây thơ” trong đời rồi hì hì. Trong cuộc sống, luôn luôn phải dự trù những chuyện bất ngờ xảy ra. Bỗng nhiên bạn mượn tiền, hay xe lăn đùng ra hư, hay (xui xui xui) bạn tự dưng bị bệnh phải vào viện chẳng hạn… 

Đấy là những thứ bạn không mong đợi xảy đến, nhưng nó vẫn có thể đến và làm ngốn một khoản tiền chi tiêu của bạn trong tháng. 

Hãy luôn có khoản tiền dự phòng cho những vấn đề thế này, bạn nhé!

5 cách cắt giảm chi tiêu hiệu quả

Trong phạm vi bài viết này, bạn sẽ khám phá được một số cách thức dễ dàng và hiệu quả để cắt giảm các khoản chi tiêu mong muốn. Vì sao ư? Vì đây là khoản chi tiêu không quan trọng nhất, bạn lại dễ kiểm soát nhất. Và gây ảnh hưởng đến việc bạn có ăn mì gói vào cuối tháng hay không nhất. 

Nói tóm lại nếu bạn mới bắt đầu trên hành trình quản lý tài chính cá nhân, đây sẽ là khoản tiền bạn muốn quản lý trước nhất. Và 5 cách đó là:

1. Xây dựng ngân sách chi tiêu

Trong khoá học Tinh thông tài chính cá nhân, Tú có hướng dẫn cụ thể từng khoản ngân sách bạn cần xây dựng để đảm bảo an toàn và phát triển tài chính. Nếu bạn chưa có kế hoạch toàn diện như vậy, hãy đơn giản là tạo ra một ngân sách chi tiêu cho những thứ bạn mong muốn. Và chỉ được chi tiêu trong khoản đó hằng tháng.

Ví dụ, lương của bạn là 8 triệu/ tháng. Bạn đặt ngân sách là 20% cho những thứ bạn ăn xài xả láng. Tức là 20% x 8.000.000 VND = 1.600.000 VND. Đây là số tiền bạn sẽ chi cho quần áo, phim ảnh, trà sữa, cà phê, sách truyện, hay bất cứ khoản chi tiêu không bắt buộc nào trong tháng đó.

2. Giảm thời gian rảnh rỗi

Ông bà ta nói "nhàn cư vi bất thiện" (= rảnh rỗi sinh nông nỗi), đố có sai được! 

Có bao giờ bạn hẹn bạn bè đi dạo phố, "chẳng may" lỡ đến sớm. Thế là bạn quyết định dạo lòng vòng khu mua sắm để "giết thời gian". Dù sao thì bạn cũng chẳng tính mua gì mà! Thế nhưng đi một vòng... Nào là hàng sale khủng 70%! Hay hàng limited chỉ còn độc mỗi một cái! Nữa là kem bông tuyết mật ong hương matcha tuyệt vời mới ra! Sao mà chịu nổi!!!

Hãy luôn mang theo người một quyển sách bạn có thể đọc khi chờ đợi. Hoặc thay những buổi đi dạo cuối tuần vì không biết làm gì bằng một buổi cà phê thân mật với cậu bạn đã lâu chưa gặp. Và thay vì nằm dài ngó shopee hay tiki đang có gì giảm giá, hãy xem vài video TED talk hoặc học một kĩ năng mới. 

Bạn sẽ thấy thời gian trôi qua có ích và túi tiền đầy hơn tẹo. Nghe mà đã thấy ấm lòng!

3. Ra quyết định chậm

Điều này Tú học được từ một người bạn và vô cùng hiệu quả. Lần tới khi bạn thấy đôi giày mình rất thích hay bộ đồ chơi điện tử không-thể-không-có, hãy tự nhủ với bản thân:

Mình sẽ chờ 48h đồng hồ trước khi mua để chứng minh là mình thích món đồ này chứ không phải đang lãng phí tiền cho nó. Nếu sau 48h và mình vẫn muốn mua món đồ này, mình sẽ quay lại đây và tự hào sở hữu nó.

Cái hay của mẹo này là: 95% là sau 48h bạn sẽ quên bẵng mất món đồ bạn không-thể-không-có đó. Trường hợp hai là bạn vẫn nhớ nhưng quá lười để đi mua. Còn nếu bạn vẫn thấy "thèm khát" món đồ đó tới mức bạn chịu xách xe đi mua sau 48h chờ đợi? Có vẻ nó xứng đáng thuộc về bạn rồi đó. Hãy tự tin mua thôi... hoặc áp dụng tiếp phương pháp kế tiếp nhé!

4. Đặt Thử thách - Phần thưởng

Nếu phải chọn ra một chiến lược yêu thích nhất, nó sẽ là điều này! Chính phương pháp này đã giúp Tú đạt được không biết bao nhiêu mục tiêu. Đồng thời, sở hữu những món đồ mình ham muốn mà không thấy tội lỗi gì cả.

Nếu bạn thích một cái gì đó bạn không thật sự cần, hãy lấy nó làm PHẦN THƯỞNG cho một mục tiêu bạn đang muốn hoàn thành. Tú đã mua chiếc Mac 12 inch Rose Gold sau khi xây dựng xong khoá Tinh thông tài chính cá nhân. Mua cuốn planner bìa còng (tuốt từ AliExpress chờ mòn mỏi) sau khi phát triển xong website Genie Academy. Mua một cái áo Uniqlo sau khi hoàn thành 10 bài viết đầu tiên. Vân vân và vân vân.

Tất nhiên nếu bạn đưa ra thử thách này, bạn phải trung thực với bản thân. Và phần thưởng cũng phải tương xứng với công sức bạn bỏ ra cho mục tiêu đó. Cái này thì tuỳ bạn cảm nhận thôi. 

Và tin Tú đi, khi bạn áp dụng, bạn sẽ thấy vô cùng tuyệt vời khi nhìn lại các món đồ mà bạn có. Giờ đây nó không phải là sự lãng phí tiền bạc vì thiếu kiềm chế. Mà là chiếc cúp vinh danh thành quả của bạn. Yay!!

5. Hãy mua đồ tốt mà bạn thật sự thích

Một trong những lý do bạn thích một cái mới lạ là vì cái hiện tại chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bạn. Vì vậy, để giảm chi tiêu, hãy chỉ mua đồ tốt. Như bé Mac của Tú làm Tú hài lòng tới mức không còn khao khát nhìn ngó một cái laptop nào khác.

Lần tới khi bạn chọn mua một món đồ, đừng chỉ nhìn giá cả, hãy để ý cả chất lượng. Mua một món đồ tốt với giá cao hơn chút mà dùng được lâu, thì tốt hơn nhiều so với việc mua hết món này tới món khác vì vẫn chưa hài lòng!

Tương tự, hãy mua món đồ bạn thật sự thích. Không phải bạn mình thấy đẹp, mẹ thấy hợp với mình, hay bản thân cũng hơi ưng ưng mà mua. Hãy kiếm món đồ làm bạn yêu thích 100% và mua nó.

Như Tú có kể việc mình lên AliExpress mua cuốn sổ còng. Tiếc là nó lại không hoàn toàn như Tú yêu thích, và Tú lại trên hành trình ngó nghiêng tìm một cuốn sổ mới (!). Trong khi nếu mình dành thời gian nhiều hơn để nghiên cứu, có lẽ Tú đã nhận ra bìa sổ khá nhạt màu so với Tú thật sự muốn. 

Hãy chi tiền thông minh

Tiền bạc, nói cho cùng cũng để mua vui vẻ và tiện nghi cho con người. Vậy nên hãy khôn ngoan trong chi tiêu và biến tiền bạc thành trợ thủ đắc lực cho cuộc sống của bạn. Thay vì để nó là ông chủ bắt ép bạn sống ngày dài lê thê với những thứ bạn không thực sự đam mê, nhé!

Hãy chọn ra một (hoặc nhiều) phương pháp mà bạn thích nhất ở trên và áp dụng vào cuộc sống của mình. 

Chúc bạn luôn hạnh phúc khi chi tiền hợp lý!


Có thể bạn cũng thích:

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
>